Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Tagged Under:

Lễ hội làng La Cả

By: Unknown On: 01:50
  • Share The Gag
  • "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thày
    Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La"

    Câu ca ấy đã có từ nghìn xưa, đúc kết nét riêng độc đáo của những hội tiêu biểu nhất đất xứ Đoài, trong đó hội làng La Cả (Giã La) được coi là hội có giá trị độc đáo hơn cả. Theo truyền thống, những năm phong đăng hoà cốc, vào ngày mồng 7 tháng Giêng, làng La Cả mở hội kéo dài đến đêm 14. Trong 7 ngày hội, dân làng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn cùng lo tổ chức và vui hội. Nét độc đáo của hội làng La Cả không chỉ bởi rước Thần và ban tối trong ánh sáng lung linh của hàng trăm ngọn đuốc, mà còn bởi trong đêm còn diễn ra trò đánh biệt diễn lại sự tích Thành Hoàng làng là Đức Đương Cảnh Công có công diệt trừ hổ ác cứu dân vào đời Vua Hùng thứ 18.

    Theo truyền thuyết và Thần phả ghi lại, Đương Cảnh Công là con của bà Trần Thị Châu, được theo học Tản Viên Sơn Thánh, được thày yêu mến cho một cây nỏ thần bắn đâu trúng đó và được dạy truyền đủ phép. Một năm nọ, cả vùng rộng lớn từ chân núi Tản Viên tới đồng bằng đang yên lành bỗng bị hàng đàn hổ dữ về hoành hành gây nhiều thiệt hại người và của. Vua Hùng Duệ Vương cho sứ giả đi các nơi tìm người tài giỏi diệt hổ cứu dân, Đương Cảnh Công lên Kinh đô xin vua cho thống lĩnh 5.000 quân đi diệt hổ. Ông tổ chức cho dân làng đặt bẫy, đàn hổ lần lượt bị tiêu diệt, chỉ còn con "Hổ lang vàng mép" là chúa sơn lâm trốn trong rừng sâu.

     Một ngày nọ, Đương Cảnh Công tìm về huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đến Đại La trang thấy địa thế đẹp, linh thiêng bèn sửa sang ngôi miếu thờ ở đó làm lễ. Ông chọn 100 trai tráng của làng cùng đi diệt hổ, dân làng góp lới bẫy cùng Đương Cảnh Công đi diệt hổ dữ. Theo chiếu thư của nhà vua, Đương Cảnh Công mở tiệc chiêu đãi quân sĩ và dân làng đi tìm diệt hổ lang, hai bà vợ ông là người thông thạo dẫn đường. Cuộc chiến với hổ lang vàng mép diễn ra nhiều ngày, hổ bị sa bẫy, ông cho giết con hổ để cung tiến nhà vua và khao quân sĩ. Đương Cảnh Công được ban cho huyện Từ Liêm làm thực ấp…

    Theo truyền thống, vào ngày mồng hai tháng chạp hằng năm, Kỳ mục và chức dịch hai làng họp ở đình để quyết định việc mở hội cho năm sau. Hội làng bình thường chỉ diễn ra trong ngày 7 tháng giêng với lễ thức đơn giản. Vào những năm phong đăng hòa cốc, hội diễn ra với quy mô lớn (đại đám)... Sáng ngày mồng 7 khai hội, sau tiếng nổ phát ta từ ống lệnh, là lễ dâng hương của các ban, ngành, đoàn thể. Theo truyền thống, đi đầu đoàn rước đón Thánh là đội sư tử, tượng trưng cho sức mạnh và sự uy nghi của Thần; tiếp đến là Đội chiêng trống tượng trưng của tiếng sấm cầu ma, nghi lễ cổ của cư dân nông nghiệp ruộng nước; Đội xe ngựa biểu tượng của sự thong dong, nhàn nhã mà nhanh nhẹn, của ân lộc nhà vua, tiếp sau là đội cờ gồm 20 lá sắc đỏ, xanh, vàng… biểu tượng cho các đám mây muôn sắc, theo sau là đội của đồ hàng răng rước bát bửu tượng trưng cho sự uy quyền của Thần để hộ tống Thần, tiếp đến là các đội nhang án 1, 2, 3, 4 theo sau các nhang án là nhạc trống bát âm, múa sanh tiền; đến rước Long đình đặt lễ nhà Chùa dâng lên Thành hoàng tại miếu.

    Bộ phận quan trọng nhất, linh thiêng nhất là rước Kiệu ông. Đây là kiệu của Đức Thành Hoàng làng Đương Cảnh Công, người đã có công diệt trừ hổ ác. Kiệu ông với bộ da hổ thật được thửa đúng như tục truyền về hổ lang vàng mép được 16 trai làng khiêng và 16 người phụ tá; tiếp đến là Kiệu Bà Lớn, Kiệu Bà Bé hai phu nhân của Đức Thành Hoàng người có công dẫn đường đi tìm hổ để diệt, mỗi kiệu có 8 thôn nữ khiêng và 8 người phụ tá.

    Xẩm tối ngày mồng 7, sau các chầu tế của quan viên hai làng lễ rước ngai Thành Hoàng từ Đền về Đình dự hội, đám rước đi trong ánh sáng của hàng trăm cây đuốc khoảng 11 giờ đêm về đến Đình, các ngày sau đó là các chầu tế của các quan viên, dòng họ với phần hội các trò chơi, văn nghệ…

    Chiều tối ngày 14, sau chầu tế mãn tịch, lễ "đánh biệt" diễn lại sự tích dân làng cùng Đương Cảnh Công diệt trừ hổ ác. Một cánh rừng giả dựng tại gian giữa Đình, có một "con hổ lang mép vàng" do một nam giới đóng khoác bộ da hổ tượng trưng, trong tiếng chim kêu vượn hú, những quan viên cầm côn múa nhử hổ, đoàn thợ săn của Đương Cảnh Công với chiêng, trống thanh la, đuốc sáng trên tay vây dần chú hổ, khi chú hổ đến chiếc cống đá thì bị tiêu diệt. Dân làng dự lễ xô vào giằng xé lốt hổ vừa để biểu lộ sự trừng phạt hổ dữ, vừa giành lấy một mảnh lốt để "lấy khước". Mọi công việc của lễ hội diễn ra đến khoảng một giờ đêm hôm sau.

    Hội làng La Cả là một hội lớn với nghi thức và những yếu tố độc đáo, là một trong những hội tiêu biểu của Xứ Đoài (cũ), của đồng bằng Bắc bộ đang được địa phương và các ngành chức năng bảo tồn.

    Theo: Duy Tường, Báo người cao tuổi

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét