Chùa Trăm Gian, còn gọi là chùa Núi, chùa Tiên Lữ, thuộc xã Tiên Phương, Huyện Chương Mỹ. Hàng năm chùa mở hội vào ngày mồng 4 tháng giêng, đó là ngày hoá của Đức Bồ tát khai Sơn- Nguyễn Bình An. Ông tu tại ngôi chùa này và là người nổi tiếng là thông tuệ phật pháp và có nhiều phép lạ giũp đớ dân chúng .
Lễ hội chùa Trăm Gian là lễ hội vùng, gồm các thôn như thôn Nội, thôn Thượng, thôn Phương Khê, ( thuộc xã Tiên phương) và thôn Thổ Nghĩa ( nay thuộc xã Tân Hoà, Quốc Oai)
Phần lễ của hội bao gồm: Đại đám có rước kiệu Thánh, rước nhang yến (án), rước giá cỗ (cỗ bánh chưng bánh dày của nhà chùa), rước giá văn bản (để bản văn tế), rước mâm ngũ quả và bát nhang.
Riêng kiệu Thánh là kiệu bát công do 18 người khiêng, mỗi giá rước có bốn người khiêng.Người rước đều mặc áo Mã tiền gồm trong là thân áo, ngoài đính các dải phướn màu xanh-đỏ-tím-vàng phía trên nhỏ bằng đũa cả, phía dưới to bằng mái chèo.
Ngày mùng 4, bắt đầu vào giờ Thìn (7-9 giờ sáng) thì rước kiệu ra sập đá trước nhà Tiền đường để trí kiệu (tức chồng đòn), cắm tàn quạt xung quanh và bày dàn bát bửu. Sau đó rước xuống núi theo đường chữ chi từ chùa xuống gác chuông thì vòng qua phải rồi quay lại đi giữa nhà giá ngự và hồ bán nguyệt để ra đường làng, từ đây đi thẳng ra Quán Thánh ở giữa đồng chiêm là nơi có dấu tích bước chân thứ nhất của Thánh về quê xin tương cà.
Đến hòn đá ở Quán Thánh thì tổ chức tế. Chỉ huy đám rước là ông Quản Tuần cùng các chức sắc chánh phó tổng, do trương tuần dẹp đường. Tế xong thì rước về, khi đi đến chân núi thì rước thẳng lên chùa mà không phải đi chữ chi nữa.
Đến tối Thánh hoàn cung thì đoàn Mai Lĩnh phải vào trước cửa điện Thánh làm lễ trình rối với ý nghĩa là sự trình diện của quân Minh xưa.
Tương truyền, khi quân Minh sang xâm lược kéo đến giết người, cướp của, đốt chùa vô cùng tàn ác, ngài làm ra mưa máu khiến chúng bị bệnh mà chết rất nhiều, phải rút đi. Sau khi quân Minh kéo về nước, còn một số ít xin ở lại lập nghiệp tại Mai Lĩnh. Vì thế hằng năm cứ đến đêm chính hội chùa Trăm Gian (đêm mồng bốn tháng Giêng) dân Mai Lĩnh, nay thuộc quận Hà Đông lại cử một đoàn người đến lễ trình con rối như một nghi thức trình diện của quân Minh xưa. Nếu như năm nào không lễ trình thì y như rằng không bị hỏa hoạn cũng làm ăn thua lỗ.
Đoàn Mai Lĩnh có 4-5 người, gồm một người gánh những con rối đựng trong hai bồ to và mấy người đi trình rối. Khi trình rối, họ căng màn lên, người trình đứng sau màn lần lượt giơ con rối bà mẹ rồi thứ tự rối các con. Trình xong, các con rối được cất đi để năm sau dùng lại, sáng hôm sau đoàn về.
Về mâm “ngũ quả” thực ra có nhiều thứ quả gồm chuối tiêu sáu nải, cam đường 10 quả, cam sành 10 quả, quýt 10 quả, bưởi đào một quả, bưởi chua một quả, bưởi đường một quả, bưởi gấc một quả, na một quả, mít một quả, dứa một quả… càng nhiều thứ quả càng tốt.
Trong hội rước ngày mùng 4, cỗ chay do nhà chùa sửa, có 16 bánh chưng và 16 bánh dày, cúng xong chia đều cho bốn thôn.
Đoàn đại biểu Bối Khê quê hương Đức Thánh sang dự hội chùa Trăm Gian được gọi là các cụ Sãi quan anh, gồm tám cụ ông và tám cụ bà. Đến hội chùa Bối Khê 12 tháng Giêng, đoàn đại biểu của “tứ bích” lên dự cũng được gọi như thế.
Để đón tiếp, làng bình chọn trong “Tứ bích” mỗi thôn hai người, phải là người cao tuổi, có uy tín trong dân, đạo cao đức trọng, đủ tư cách, khi tiếp chuyện phải nói năng lễ độ, nhún nhường, hàn huyên thân tình sau một năm xa cách. Các cụ Sãi Bối Khê được lấy từ bảy sào ruộng do làng cấp để tổ chức hai bữa cơm (trưa ngày 4, sáng ngày 5) và một bữa nước (tối ngày 4). Cỗ chứa Sãi rất to bày trên mâm vuông hai tầng. Trưa ngày 5 dân anh trở về.
Ngày 5 thổi cỗ chùa, người đến lượt phải làm không được cấp ruộng. Từ tối hôm trước, gia đình thổi cỗ đã cho người đi mời khắp lượt, người đến chùa đều có quà mừng. Gia đình phải chuẩn bị gạo ngon, rá mới để vo và chậu mới để đựng cơm canh. Vo gạo cả dãy dài, ông chủ đi xem thọc tay vào từng rá gạo để kiểm tra. Ăn cỗ chùa vào trưa ngày 5.
Đặc biệt những gia đình được chọn thi cỗ chay (xôi, chuối) để tế tạ ngày 6, phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước.
Phần hội rất phong phú và độc đáo bao gồm: Thổi cỗ chùa, Thi oản chuối, múa rối, đốt pháo, đâud vật…. Đặc sắc nhất là cờ người. Nên hội chùa Trăm Gian còn được gọi là lễ hội đánh cờ người.
Hội pháo cũng sôi nổi, có pháo bông, pháo hoa, pháo ném vào màn pháo trên cao, pháo chuột, pháo nhị thanh.
Lễ hội là sự kết hợp hài hoà giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Lại có yếu tố cài đan cài của thuyết Âm dương Ngũ Hành, chịu ảnh hưởng của Đao Giáo. Là một trong những lễ hội đậm yếu tố trí tuệ.
Nguồn ST