Ai là người hà nội đầu tiên? Gần đây, một cuộc khẩu chiến mang tên Hà Nội tràn ngập trên báo chí. Nhiều người tự xưng là người Hà Nội đổ tại người ngoại tỉnh làm nhiễu văn hoá thủ đô. Từ bên kia chiến tuyến, nhiều người ngoại tỉnh tại Hà Nội cho rằng người Hà Nội quá thực dụng, khiến nếp sống thành phố bị nhiễu sóng. Trong khi đó, nhiều người dân các tỉnh khác kẻ cả lên tiếng cùng báo Tàu Nhanh Việt Nam ”Hà Nội không bằng quê tôi”.
Trước tình hình đó, Tin Khó Tin đã tiến hành điều tra xem ai là người Hà Nội đầu tiên, và thu được những kết quả đáng kinh ngạc.
Một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu “Người Hà Nội gốc” là ông An Dương Vương, tên thật là Thục Phán. Tuy nhiên nhiều nguồn tin cho rằng ông họ Thục, có nguồn gốc từ Trung Quốc, con gái ông cũng chê trai Việt mà lấy chồng người Trung Quốc, nên mặc dù ông đã có công xây thành Cổ Loa, khó có thể coi ông là người Hà Nội gốc.
Theo nhiều nguồn tin khác, Hai Bà Trưng đóng đô ở Mê Linh, một huyện ở phía Bắc Hà Nội, có thể coi là những người Hà Nội đầu tiên. Nhưng lịch sử cho thấy đến năm 1978 Mê Linh mới được sát nhập vào Hà Nội, chứng tỏ Hai Bà Trưng cũng chỉ là người Hà Nội 2 mà thôi.
Một số những vị vua, quan, tướng khác như Lí Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, vv mặc dù có công chống Trung Quốc nhưng đều là người quê ở Sơn Tây, mà ai cũng biết là Sơn Tây vốn thuộc Hà Tây, gần đây mới sát nhập vào Hà Nội. Nên tóm lại tất cả những danh nhân kể trên đều là người Hà Nội 2 tất, chưa được gọi là người Hà Nội gốc.
Ông Lý Công Uẩn, người quyết định dời đô từ Hoa Lư Ninh Bình về Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay, có thể coi là một người tiên phong trong phong trào kiến tạo lịch sử văn hoá Hà Nội từ hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên ông lại là người gốc Bắc Ninh. Do đó, ông Lý Công Uẩn không phải là “Người Hà Nội gốc”, mà có thể bị coi là người châm ngòi cho phong trào “Tiến về Hà Nội” của người dân các tỉnh thành khác.
Tin Khó Tin lại càng không khỏi ngạc nhiên khi nhiều nhạc sĩ, hoạ sĩ, vv dẫn đầu chủ nghĩa “Hà Nội Đẹp như Nhạc, Thơ, Tranh” đều không phải là người Hà Nội. Cụ thể là:
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, người sáng tác bài hát “Người Hà Nội” lại sinh ra ở Luông Pra Băng, ở Lào
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tác giả “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” sinh ra ở Đắk Lắk và lớn lên ở Huế
Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái nổi tiếng với những bức tranh “phố Phái” nói lên thần thái phố cổ Hà Nội là người Hoài Đức, Hà Tây
Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn với tác phẩm được phổ nhạc thành bài hát “Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa” là người Lâm Đồng
Tác giả bài hát “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” ông Trần Quang Lộc là người Quảng Trị. Việc ông không phân biệt được đâu là mùa thu Hà Nội do đó cũng là điều dễ hiểu
Vũ Bằng, tác giả của “Miếng Ngon Hà Nội” tuy sinh ra ở Hà Nội nhưng gia đình ông lại gốc Hải Dương
Tô Hoài, nổi tiếng với những tác phẩm về Hà Nội những năm đầu thế kỉ 20 như “Chuyện Cũ Hà Nội” sinh ra ở Thanh Oai và lớn lên ở Hoài Đức, Hà Tây
vv và vv
Do Tin Khó Tin đã thất bại trong việc tìm ra ai là người Hà Nội gốc, chúng tôi kêu gọi độc giả tham gia giúp đỡ. Đề nghị độc giả nào có thể chứng tỏ rằng tổ tiên từ trước thời Lý Công Uẩn là người Hà Nội liên lạc với chúng tôi để nhận danh hiệu người Hà Nội gốc.
Nguồn ST
Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét