Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang vào giai đoạn thu hoạch củ dong riềng. Cùng với đó những cơ sở chế biến tinh bột dong cũng bước vào mùa sản xuất cao điểm. Làm thế nào để nâng cao chất lượng tinh bột dong đang là vấn đề đặt ra cho những cơ sở chế biến dong riềng hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở và hộ gia đình tham gia chế biến dong riềng. Các cơ sở đang áp dụng 2 phương pháp chế biến tinh bột dong chủ yếu là phương pháp nghiền lọc không liên hoàn và phương pháp nghiền lọc liên hoàn. Theo các doanh nghiệp thu mua tinh bột dong năm trước phản ánh, chất lượng tinh bột dong riềng của Bắc Kạn không cao, chủ yếu là do chưa được làm sạch triệt để, trong tinh bột còn có lẫn sạn, tạp chất và bảo quản chưa được tốt. Để nâng cao tỷ lệ thu hồi tinh bột trong củ dong riềng, tránh thất thoát tinh bột và đảm bảo chất lượng tinh bột phù hợp các yêu cầu của đối tác thu mua trong và ngoài tỉnh, từ tháng 9/2013 đến nay Sở Công Thương đã tổ chức 5 đợt tập huấn tại các huyện cho hơn 60 cơ sở về một số biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng tinh bột dong riềng. Nội dung các lớp tập huấn chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn phương pháp chế biến tinh bột, những yếu tố ảnh hưởng, biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng tinh bột và cách bảo quản tinh bột dong. Đối với thiết bị nghiền lọc tinh bột, hiện đang có khuyến cáo các cơ sở nên sử dụng máy nghiền, xát bằng mâm nghiền vì tính an toàn và tỷ lệ thu hồi tinh bột triệt để hơn dùng máy nghiền, xát bằng lô nghiền. ...
Đối với hệ thống bể chứa và đánh lọc tinh bột, do công đoạn lắng, rửa tinh bột chủ yếu bằng bể lắng, hỗn hợp nước tinh bột, chất bẩn nhỏ và xơ bã được đưa vào các bể lắng, dựa trên nguyên tắc phân ly qua độ lắng các chất khác nhau, các hạt tinh bột có trọng lượng lớn sẽ lắng xuống đáy, các chất xơ, bẩn lắng chậm sẽ lơ lửng ở trên. Để loại bỏ lớp nước ở phía trên, giữ lại lớp tinh bột sạch phía dưới, quá trình này cần được thực hiện tốt, tránh gây thất thoát tinh bột, hao phí điện năng, nước. Ngoài ra tinh bột cần được làm sạch triệt để giúp cho công đoạn bảo quản tinh bột không bị chua, mốc, thối. Biện pháp đối với công đoạn này là hệ thống bể chứa và lọc lắng tinh bột cần có thể tích từ 30 - 80 m3, tuỳ thuộc quy mô công suất từ 5 - 15 tấn củ dong/ ngày. Trong quá trình lắng, lọc tinh bột cần chú ý đến công đoạn tách toàn bộ lớp bột non - phần bột mềm mỏng ở lớp trên cùng; Đánh lọc tinh bột nên tiến hành tối thiểu 3 lần để đảm bảo tách hết bột non, do bột non dễ bị hư hỏng bởi ảnh hưởng của môi trường xung quanh, thời gian bảo quản ngắn và đặc biệt là ảnh hướng đến chất lượng sản phẩm khi đem ra sản xuất miến...
Đối với bảo quản tinh bột khô, do tính chất của tinh bột dễ hút ẩm, chảy nước, vón cục và dễ bị vi sinh vật, côn trùng xâm nhập nên tinh bột dong riềng cần được sấy khô đến độ ẩm 13%, bảo quản trong bao bì có lớp nilon, xếp trong kho sẽ kéo dài thời gian bảo quản được 2 - 3 năm và chất lượng tinh bột vẫn đảm bảo để sản xuất miến, có thể sấy khô tinh bột bằng hình thức phơi nắng hoặc dùng lò sấy chuyên dụng.
Lê Minh
Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014
Tagged Under: lang so, nghe lam tinh bot dong rieng
Các biên pháp nâng chất lượng tinh bột dong riềng
By:
Giang Thịnh
On: 21:02
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét